Friday, November 18, 2011

Cuộc Gặp Gỡ Buồn

Kính thưa Thầy-Cô,
Các bạn mến,

Trong dịp Thầy Khánh về Việt Nam, cuộc hội ngộ giữa Thầy-Cô và học trò rất xúc động, đầm ấm, dạt dào tình cảm. Bên cạnh niềm vui cũng có nỗi xót xa của một cuộc gặp gỡ buồn. Giữa bối cảnh đất nước trải qua một cuộc bể dâu, người học trò cũ tình cờ gặp lại thầy giáo dạy mình trong hoàn cảnh trớ trêu. Người thầy vội tránh đi không nhận mình quen biết. Em xin gửi nỗi niềm cay đắng này đến Thầy-Cô và các bạn nhân ngày 20-11, qua bài thơ “Có một buổi chiều tháng năm”, thơ của Đỗ Trung Quân, nhạc: Ông Lái Đò (Hiếu Nghĩa).

Em
Hồng A


CÓ MỘT BUỔI CHIỀU THÁNG NĂM

Thơ: Đỗ Trung Quân
Nhạc: Ông Lái Đò (Hiếu Nghĩa)

“Thầy còn nhớ con không…?”
Tôi giật mình nhận ra
Người đàn ông quần áo nhếch nhác
Người đàn ông gầy gò
Ngồi sau tủ thuốc bên đường.

“Thầy còn nhớ con không…?”
Tôi lặp lại rụt rè rơi vào im lặng.
Hoa phượng tháng năm rơi đầy vỉa hè
Rụng xuống trên vai người thầy học cũ.

“Không … xin lỗi … ông lầm … tôi chưa từng dạy học.
Xin thối lại ông tiền thuốc … cảm ơn …”

Cuộc sống cho ta nhiều quên, nhớ, vui, buồn
Thầy học cũ mười năm không lầm được
Thầy học cũ ngồi kia giấu mình sau tủ thuốc
Giấu mình trong hoa phượng rụng buồn tênh.

Còn biết nói gì hơn
Đứa học trò tâm sự
Người thầy cũ lại chối từ kỷ niệm
Từ chối những bài giảng dạy con người đứng thẳng
Biết yêu anh em – đất nước – xóm giềng
Đứa học trò vào đời với trăm nghìn giông bão
Bài học ngày xưa vẫn nhớ mãi không quên

Và hôm nay…
Bên hè phố im lìm
Vành nón sụp, che mắt nhìn mỏi mệt
Câu phủ nhận phải vì manh áo rách
Trước đứa học trò quần áo bảnh bao?

Tôi ngẩn ngơ đi giữa phố ồn ào
Những đứa trẻ tan trường đuổi nhau trên phố
Mười năm nữa đứa nào trong số đó
Sẽ gặp lại thầy mình như tôi gặp hôm nay???

                                                   Đỗ Trung Quân

1 comment:

  1. Cám ơn nhà thơ Đỗ Trung Quân-đúng là một cuộc gặp gỡ buồn-.
    Cám ơn Hồng A, nhưng Hùng thắc mắc sao thày chối bỏ chỉ vì manh áo; nên chăng thày cứ nhận mình là ai thay vì phủ nhận điều ấy? Sao thày không nhận ra rằng về một mặt nào đó có thày ngày xưa, ngày nay kẻ học trò kia mới có quần áo bảnh bao. Hơn nữa, căn cứ vào lời thơ thì kẻ học trò kia vẫn lễ độ mà; vẫn là kẻ có trước có sau mà -căn cứ vào:Thưa thày thày còn nhớ con không...? Nếu kẻ học trò mà là Hùng, Hùng sẽ buồn lắm, buồn vì thày chối không dám nhận mình là học trò.
    Vài dòng tản mạn, mong Hồng và nhà thơ Đỗ Trung Quân thông cảm.
    Thân mến
    Đỗ Thế Hùng

    ReplyDelete