Xin gửi đến tất cả thày cô - còn sống cũng như đã qua đời-lòng tri ân sâu sắc của tôi.
Bằng tất cả sự kính trọng của mình những dòng chữ đầu tiên của câu chuyện đời tôi được viết về những người thày, người cô: những người đã bỏ công sức ra để dạy dỗ tôi nên người, đùm bọc tôi lúc khó khăn, hun đúc trong tôi tình yêu tổ quốc, yêu đồng loại, trọng nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; trang bị cho tôi vốn học thức và kiến thức để cho tôi có cơ hội sống ngày hôm nay. Những người thày người cô này có thể đã từng trực tiếp dạy dỗ tôi, có thể không trực tiếp dạy dỗ tôi nhưng bằng cách này hay cách khác đã là tấm gương sáng cho tôi noi theo, cho thế hệ tôi tự hào vì đã được có những người như họ làm thày. Những người thày người cô này có thể được ở ngoài đời thường sau khi xảy ra biến cố 1975, hoặc có thể là tôi gặp tình cờ trong “Trại Cải Tạo”, những người này dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã nhất -theo tôi- đã sống hết sức liêm sĩ (có tài liệu nói là liêm sỉ), hết sức xứng đáng…Tôi nói là trong hoàn cảnh nghiệt ngã nhất vì lúc bấy giờ ai cũng chỉ nghĩ đến cái ăn, bởi lẽ lúc nào cũng đói, kể cả vừa ăn xong cũng đói vì khẩu phần của mỗi người tù có đáng là bao. Trong lúc rất nhiều người mà trước đây tôi ngưỡng mộ hoặc kính trọng kể cả sĩ quan cao cấp của quân đội cũ -đôi người- cũng không còn giữ được tác phong của mình khi đói; thì theo tôi biết, tất cả những người thày cũ của tôi đã sống tốt và bản lĩnh.
Vì người nào cũng xứng đáng được tôi kính trọng nên tôi xin phép được bắt đầu bằng alphabet.
Thày Cao Bính - Giáo sư Sử Địa dạy tôi từ năm lớp 10B3
Có ai đó đã từng đi qua thành phố Ban mê thuột vào khoảng năm 1984-1985 sẽ thấy một người dong dỏng, da đen và tái (có sung túc gì đâu mà không tái) đẩy xe ba gác (lúc có hàng) hoặc đậu xe ở gốc mít góc chợ (lúc không có hàng, để đón khách): thày tôi đấy; vâng, thày tôi đấy, thày Cao Bính.
Kinh nghiệm về nghề (hụt) đạp xe ba gác của tôi do thày hướng dẫn. Chuyện là thế này:
Sau biến cố 1975 thày trò có dịp gặp nhau trong “Trại Cải Tạo” (lúc bấy giờ ai là giáo sư đồng hóa cũng bị bắt đi tù cả!). Ngoài thày Cao Bính ra tôi còn gặp thày Trần Đại Hiền, thày Nguyễn đình Liễn, thày Nguyễn văn Phúc, thày Nguyễn Đức Thông; tôi sẽ lần lượt đề cập đến các vị này sau. Trở lại chuyện thày Cao Bính, chúng tôi gặp nhau trong tù. Tôi với thày không được ở chung nhưng vẫn có dịp gặp gỡ chuyện trò với nhau luôn. Ở trại, vẫn phong thái nửa lãng tử thày cũng hoàn thành một cách lãng tử trách nhiệm người tù lúc bấy giờ. May thay có lẽ là “tội” thày nhẹ thày được bố trí ở những đội không bị quản chế gắt gao và thày được về trước tôi và do vậy thày có kinh nghiệm để kiếm sống tốt hơn tôi trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Những người như chúng tôi lúc ấy không được xã hội chấp nhận; sống vật vờ, bị lưu đày trên chính quê hương mình. Chúng tôi chỉ kiếm được những việc mà có lẽ xã hội chê, lúc ấy họ gọi là dân “cu ly cu lủng”; bởi lẽ đó thày kiếm cơm bằng cách bán mồ hôi, tôi cũng thế… tôi hăm hở bán mồ hôi để kiếm cơm…
Đây là nguyên văn của bài học thày Bính dạy tôi ngày ấy:” Đầu tiên là cụ phải mua một cái xe ba gác, giá xe ngon (xe tốt, bạc đạn còn tốt đạp hay đẩy đỡ tốn sức ) khoảng hơn 1 chỉ. Kế đến là phải làm đơn xin gia nhập Hợp tác xã (văn phòng của nó thày chỉ tôi ở đường Y Jut, gần ngã tư Phan Bội Châu) nó đồng ý mới được, nếu không nó BẮT. Và theo kinh nghiệm thì cụ không làm một mình được đâu phải kiếm một thằng khỏe nữa để nó đẩy phụ với mình khi lên dốc và chuyển hàng lên xuống cho khách. Làm theo lời thày, tôi ngay lập tức liên lạc với Hợp tác xã -tôi nhớ hình như họ gọi là Hợp tác xã vận tải thô sơ Quyết Thắng- và được hướng dẫn đúng như thế và họ bán cho một bộ đơn “Đơn xin gia nhập HTX”, đồng thời tôi kiếm một người bạn cùng làm chung.
Hơn 1 chỉ vàng -ngày ấy- than ôi là một tài sản; tôi phải chạy vạy đủ chỗ, ki cóp từ nhiều nơi và mua được cái xe giá 1 chỉ (nghĩa là cũng chưa được ngon lắm) và mang cả xe lẫn đơn lên “trình diện” HTX. Khi xét đơn, chủ nhiệm HTX yêu cầu chúng tôi bổ sung lý lịch (trước năm 75 ta nói là bổ xung, cũng như là chia xẻ thay vì chia sẻ, sát nhập thay vì sáp nhập như ngày nay ở trong nước). Chúng tôi y lời, nhưng khốn thay, cả 2 chúng tôi là người đi cải tạo về nên lý lịch không được “ngon lành” lắm. Tôi suýt bật ngửa khi Chủ nhiệm HTX trịnh trong tuyên bố cả hai chúng tôi không được phép gia nhập HTX vì -nguyên văn- “lý lịch không trong sạch”. Sau khi năn nỉ không được, người bạn cùng đi với tôi đã không còn giữ đủ bình tĩnh văng tục, xé cả đơn lẫn lý lịch ném vào sọt rác và ra về. Chúng tôi sau đó liều mạng mang xe ra chạy phần vì tiếc của (1 chỉ vàng chứ ít đâu, không lẽ để chôn vốn) phần vì cũng muốn kiếm được cái gì để sống. Nhưng chỉ được đúng 1 “cuốc” thì bị chặn lại và bị hăm tịch thu xe. Sợ quá, chúng tôi không dám chạy nữa…Mãi lâu lắm về sau tôi mới tìm được người có lý lịch “trong sạch” muốn chạy xe ba gác sang lại xe này với giá là năm phân, lỗ năm phân và rất lâu sau đó tôi mới trả được nợ.
Sau này thày Cao Bính và tôi còn có dịp để gặp gỡ nữa trước khi thày đi định cư bên Mỹ, những lúc thày về VN, tôi cũng có dịp gặp thày. Thày vừa viết thư trên diễn đàn báo tin về Hoàng Kim Cư cho tôi. Bật mí cho các bạn biết nhé: thày Bính hát khá hay và thuộc khá nhiều nhạc đấy; các bạn bên Mỹ “bắt” thày hát cho nghe đi.
Ngày mai tôi sẽ viết về thày Trần Đại Hiền.
Đỗ Thế Hùng
No comments:
Post a Comment