Saturday, November 26, 2011

Chuyện Đời Tôi: Kỷ Niệm Với Thầy Trần Đại Hiền

Kính thưa quý thày cô
Các bạn thân mến,
Quá vui khi thấy các tiếng nói và khuôn mặt trên diễn đàn. Đúng như Hùng nói trước đây: ai cũng tài hoa cả, thậm chí đôi vị còn tột bực tài hoa. Hôm nay -như đã hứa- lại nhằm ngày cuối tuần công việc không bận rộn mấy, gõ lại một phần chuyện đời mình cho các bạn đọc cho vui. Nói là vui nhưng bài viết của mình: chưa viết đã thấy buồn, nếu có lạc cung bậc cũng xin thày cô và các bạn tha thứ. Nhưng Hùng nghĩ: cũng như trong một bài hát, cũng phải có cung trầm cung bổng; trong một bức tranh cũng phải có màu sáng, màu tối, gam nóng, gam lạnh. Thiết tha mong sự đồng cảm và cho phép Hùng viết nhé:

Viết về Thày Trần Đại Hiền, Giáo sư Anh Văn
Có một nơi được rào kín ở đường Tán Thuật, thị xã Banmêthuột, tỉnh Darlac rất nổi danh: thời Pháp thuộc người ta gọi là “Nhà Lao Banmêthuột”, trước năm 1975 người ta gọi là “Trung Tâm Cải Huấn”, sau năm 1975 người ta gọi là “Nơi Giam Giữ Phạm Nhân”, bây giờ người ta gọi là “Di tích Lịch Sử”. Nhưng dù gọi là gì đi nữa thì nơi ấy công năng của nó vẫn là nơi dùng để giam giữ tù nhân của các thời kỳ. Và nơi ấy năm 1976 tôi đã gặp thày tôi: Trần Đại Hiền,Giáo sư Anh Văn trường Trung học Tổng Hợp Banmêthuột vì -theo họ ngày đó- chúng tôi là “phạm nhân”. Nơi này cách nhà thày Trần Đại Hiền không xa vì nếu tôi không nhớ nhầm thì nhà thầy Hiền ở số 40 hoặc 44 Phạm Hồng Thái, từ đó đến Trại giam chỉ cần quẹo trái và đi thêm một quãng ngắn…
Địa danh này từ thuở ấu thơ tôi đã đi qua lại nhiều lần, tuy nổi tiếng là thế nhưng nếu không là “phạm nhân” sẽ chẳng ai biết bên trong nó được bố trí ra sao vì cánh cổng lúc nào cũng được đóng im ỉm ( chỉ mở ra khi cần thiết và đóng vào rất nhanh). Tôi còn nhớ khi bị bắt đưa vào -dù rất sợ- nhưng vẫn tự nhủ: thế là mình sẽ biết bên trong khu này như thế nào cho thỏa chí tò mò. Tôi tả cho các bạn nghe nhé: không phải chỉ có 1 lần hàng rào và cổng nhưng mà là 2 lần hàng rào và cổng. Bước qua cánh cổng thứ nhất sẽ là khu hành chính dành cho bộ phận hành chính làm việc và các phòng hỏi cung, toàn khu này rộng khoảng 1000m2, liền đó là hàng rào và cánh cổng mở vào nơi giam giữ. Bước qua hàng rào và cổng này, sẽ thấy một lối vào bằng bê tông rộng khoảng 3m, dài khoảng 80m được viền bằng những vườn hoa nhỏ xinh xắn, những vườn hoa này đã được hình thành từ trước năm 1975, và những khoảng sân bê tông để cho tù nhân tắm nắng khi được phép, cuối lối đi bê tông đó là một cây đa cổ thụ rất to, bên dưới cây đa là một ngôi chùa nhỏ, xinh xinh. Cách cánh cổng khoảng 10m về phía bên phải có 1 nhà thờ công giáo và liền đó là dãy phòng chức năng khác song song với lối đi và kéo dài đến gần chùa (ngày xưa chế độ cũ dùng các phòng ở dãy này để dạy nghề) được đánh số từ 10 đến13 (cụ thân sinh của Minh Trung, cụ Trương Đình Dần bị nhốt ở dãy này); giữa dãy này là phòng “Biệt Giam”. Vuông góc với dãy này và cách một khoảng sân nhỏ là các phòng 14, 15. Cách một khoảng sân nhỏ nữa và song song với phòng 14,15 là nhà bếp tù (phải đi vòng qua sau chùa mới xuống được nhà bếp). Ấn tượng đầu tiên của tôi là: Hay thật! Chế độ cũ cho phép có tôn giáo ngay cả trong nhà tù và nhà tù có cả hoa đẹp nữa… Đối xứng với dãy phía nhà thờ về phía bên trái cánh cổng là một dãy nhà xây kiên cố theo kiến trúc Pháp được chia làm 9 phòng, diện tích to nhỏ có khác nhau. kéo dài từ lớp hàng rào thứ 2 đến gần cuối khu (gần giáp với cây đa). Sau năm 1975 người ta đã tận dụng mọi phòng kể cả nhà chùa và nhà thờ để giữ phạm nhân. Tôi đã trải qua 6 trên tổng số 15 phòng trong thời gian lao lý của tôi tại đây, và tại một trong những phòng đó tôi đã gặp thày: Phòng số 1, nghĩa là đối xứng trực tiếp với nhà thờ… Đó là một buổi trưa năm 1976, cách đây 35 năm. Mà tôi vẫn nhớ như in…
Vâng đó là một buổi trưa năm 1976, vào giờ này tù thường được tự do (những giờ khác phải sinh hoạt tập thể), đa số tận dụng ánh sáng buổi trưa để bắt rệp hoặc rận vì chúng nhiều vô hạn, chúng ở mọi nơi: trên các khe nứt ở tường, dưới kẽ nứt của nền bê tộng, trong mọi ngóc ngách (tôi tin là các bạn không biết hình thù con rận, con rệp như thế nào đâu, tôi cũng vậy, tới lúc đó tôi mới biết con vật ấy) thì bỗng dưng có tiếng lẻng xẻng mở cánh cửa bằng thép; nhìn lại phòng thấy đầy đủ mặt mọi người, không có ai bị đi hỏi cung chưa về cả. Có nghĩa là có tù mới hoặc có gì khẩn cấp đây… (kinh nghiệm sau một thời gian ở tù cho biết như thế). Cánh cửa thép mở toang, ánh sáng ùa vào chói chan khiến không thể nhìn “rõ mặt người vừa đến” (*). À, tù mới!  Người đó bị đẩy mạnh vào bên trong và cánh cửa thép nhanh chóng rít lên tiếng quen thuộc khi bị đóng sập lại. Khi cặp mắt đã quen lại với bóng tối thường nhật tôi đã nhận ra người tù mới vừa bị đẩy mạnh vào phòng kia chính là thày Trần Đại Hiền lúc đó cũng đã quen với ánh sáng trong phòng và cũng kịp nhận ra tôi. Thày trò gặp nhau mừng rỡ, vâng, éo le thay, thày trò gặp nhau trong tù mà cũng… mừng rỡ. Nếu không có biến cố kia chẳng khi nào chúng tôi lại hội ngộ ở chốn này… Sau đó chúng tôi thường xuyên chuyện vãn với nhau, chúng tôi đã nói với nhau nhiều vấn đề về nhân tình thế thái, về chính trị, về chiến tranh, về hòa bình, về tất tần tật cái gì có thể nói để… giết thời giờ. Ngoài kỷ niệm là 2 thế hệ thày trò tình cờ gặp nhau trong tù thì còn một ấn tượng tôi sắp kể sau đây khiến tôi không thể nào quên.
Ngày đó, trong một lần bị đi hỏi cung về tôi bị còng tay, một cách còng dã man mà tôi bị lúc đó: người ta dùng còng số 8 (loại còng của cảnh sát ngày xưa hay dùng) để còng 2 bắp tay của tôi; và vì công năng của cái còng này chỉ để còng cổ tay chứ không còng bắp tay nên sợi xích ngắn giữa 2 còng không đủ dài. Để còng bắp tay (giống như trói  ngược cánh) họ phải -một mặt- bóp hết cỡ còng để tăng độ dài của dây xích – một mặt-dùng đầu gối tì mạnh vào giữa lưng tôi và ép mạnh 2 bắp tay tôi hướng vào giữa lưng để đủ với độ dài của dây xích (các bạn cứ hình dung 1 con gà bị trói túm ngược bằng âu cánh). Cách còng này khiến tôi vô cùng đau nhức và 2 cánh tay tôi vì bị còng bóp chặt đã sưng vù lên, vì thiếu máu nuôi cả 2 tay tôi tím ngắt và càng phút càng đau đớn khủng khiếp. Tôi nói với thày chắc có lẽ đến giờ hỏi cung chiều người ta sẽ tháo thôi. Nhưng khi quan sát thấy tình cảnh của tôi lúc đó thày nói: “Không thể chờ được vì chỉ khoảng 15 phút nữa thôi 2 tay em sẽ bị hoại tử”. Thày đã vận động anh em trong phòng đập cửa xin cấp cứu và sau khi cán bộ y tế của tù mở cửa -may thay- tôi được tháo còng. Khi viết lại những dòng này trong tôi vẫn cảm nhận nguyên vẹn cái đau ngày ấy và trên 2 bắp tay tôi còn hằn vết sẹo (ở vị trí bị còng đó sau khi tháo còng đã lở loét và để lại sẹo dù thời gian đã qua lâu). Nếu ngày ấy thày không vận động thì có lẽ không có ai dám đập cửa kêu cứu giúp tôi. Và chắc chắn là tôi không còn tay để gõ lại câu chuyện này. Sau buổi đó thày bị kêu đi hỏi cung và không thấy trở lại; không biết thày bị chuyển trại hay được thả và tôi cũng bị chuyển đi phòng khác… Cho đến mãi gần mười năm sau tôi mới gặp lại thày.
Tôi gặp lại thày nhờ Phan thị Kim Oanh, ngày ấy Oanh mua nhà ở Sài gòn và bán cà phê ở gần cầu Thị nghè, khi tôi đến thăm Oanh thì Oanh nói thày Đại Hiền cũng ở gần đấy trên đường Nguyễn văn Lạc. Tôi đã đến thăm, thày trò gặp nhau buồn buồn tủi tủi, những chuyện xưa lại tràn về. Lúc đó thày cho tôi biết là thày kiếm sống bằng nghề dạy thêm tiếng Anh và căn nhà thày ở nhờ (?) là của ông Nguyễn Bá Cẩn (ở Hạ Nghị Viện cũ thì phải). Một buổi thày gọi tôi đến ăn cơm, thực đơn bữa cơm cho đến bây giờ tôi còn nhớ rõ (có cả con trai thày nữa) gồm rau muống luộc, nước rau muống có dằm 1 trái cà chua dùng làm canh và 2 quả trứng vịt luộc dằm với xì dầu. Trong bữa cơm thày nói với tôi là thày đi vượt biên, mọi việc đã xong và thày nhấn mạnh là thày đi ngay hôm đó. Tôi không rõ thày đi có an toàn không và trong lòng cứ thấp thỏm mãi cho đến khi có lại được tin thày. Ngày ấy vượt biên là một trọng tội chứ không phải được trải thảm đỏ mời về như bây giờ (việc này Nam Đà biết rõ, bữa nào kể lại cho mọi người nghe đi).
Sau này thày trò có dịp e-mail cho nhau, có lần thày chủ động gọi điện thoại nữa. Khi biết tôi đang làm nghề xây dựng, thày đã giới thiệu cả người quen của thày để hy vọng sẽ giúp đỡ tôi.
Lần cuối không thấy thày viết thư cho tôi nữa khi trong thư ấy tôi có viết câu này: em có việc muốn nhờ thày giúp đỡ…Tôi nghĩ rằng nếu thày có ý định giúp đỡ thày sẽ hỏi lại tôi và tôi sẽ nói rõ cần thày giúp gì nhưng không thấy thày trả lời nên tôi cũng không dám viết thêm. Thật ra ngày ấy khi biết tin Trần Thái Hòa là con của thày, tôi định nhờ thày nói với cháu hát giúp một trong các bài hát do tôi sáng tác mà nhiều người khen hay mà thôi, tuyệt nhiên không dám nghĩ đến chuyện nhờ vả gì khác.
Đến nay, qua nguồn thông tin của người này, người khác tôi biết thày và gia đình vẫn an mạnh, tôi rất mừng; vừa đây có dịp gặp ca sĩ Trần Thái Hòa ở BMT, nghe nói Hòa và thày không ở chung với nhau từ đã lâu tôi cũng không hỏi gì kỹ thêm. Biết thày an mạnh là mừng rồi. Thời gian cứ lầm lũi trôi, thời gian thì vô hạn, đời người thì hữu hạn, biết ra sao ngày sau…Thôi thì cứ nhớ lời thày “you must love to be loved”.
Thân mến
Đỗ Thế Hùng
Sàigòn 26/11/2011

 
(*) ”rõ mặt người vừa đến” trích lời trong bài NĂM MỚI của nhạc sĩ Phan Ni Tấn

No comments:

Post a Comment